Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Bình Định, đầu vụ ĐX 2013-2014 xuất hiện đợt lũ lớn ảnh hưởng nặng nề đến SXNN, tiếp đến nắng nóng kéo dài, mới cuối vụ đã xảy ra hạn cục bộ. Nắng nóng ngày càng gay gắt, thiêu đốt vụ HT khiến các loại cây trồng lâm cảnh khốn đốn.
Riêng nạn chuột hại lúa vụ ĐX 2013-2014 giảm mạnh cả về diện tích lẫn quy mô và mức độ gây hại. Nếu như vụ ĐX trước đó (2012-2013), Bình Định có đến 1.966 ha lúa bị chuột gây hại thì vụ ĐX năm nay chỉ có 136 ha.
Để có kết quả trên là nhờ năm nay, ngay từ đầu vụ, ngành BVTV tỉnh này thực hiện công tác diệt chuột triển khai rộng khắp, địa phương nào cũng đặt công tác diệt chuột lên làm nhiệm vụ hàng đầu.
Tổng số chuột bị diệt trong vụ là 243.508 con. Những địa phương làm tốt công tác này là các huyện: Hoài Ân diệt được 116.201 con; Hoài Nhơn 35.242 con; Tuy Phước 73.455 con, An Lão 18.550 con…
Tổng số thuốc Biorat đã sử dụng diệt trong vụ ĐX 2013-2014 gần 24.680 kg, 50% trong số thuốc này do UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ; các cấp huyện, xã hỗ trợ gần 8.180 kg; tăng hơn so vụ ĐX năm trước gần 11.520 kg, nâng số diện tích lúa được diệt chuột bằng thuốc Biorrat lên gần 8.227 ha.
“Mặc dù năm nay trên địa bàn Bình Định thời tiết rất khắc nghiệt, gây bất thuận cho cây trồng, nhưng nhờ các địa phương làm tốt công tác phòng trừ nên sâu bệnh giảm mạnh gây hại, góp phần đưa năng suất lúa vụ ĐX và vụ HT đạt mức cao nhất từ trước đến nay”, ông Nguyễn Tấn Phát.
Chuột bị diệt gọn trong vụ ĐX nên bước sang vụ HT số chuột còn ở đồng ruộng ít, mức độ gây hại giảm. Diện tích lúa bị chuột gây hại trong vụ HT cũng chỉ có 4 ha, mức độ gây hại không đáng kể.
Diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng vụ ĐX 2013-2014 ở Bình Định cũng giảm rất đáng kể. Nếu vụ ĐX năm trước ở Bình Định có đến 920 ha lúa bị nhiễm rầy thì vụ ĐX năm nay con số này chỉ là gần 172 ha. Diện tích lúa bị nhiễm rầy trong vụ HT năm nay cũng chỉ có 40 ha, chủ yếu trên lúa thu.
“Nguyên nhân do diện tích gieo sạ các giống lúa nhiễm rầy như Ải 32, Khang dân 18, ĐV 108, Nhị ưu 838… trên đồng ruộng giảm mạnh.
Ngoài ra, việc ít sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch của rầy nâu, rầy lưng trắng phát triển mạnh, góp phần khống chế nạn rầy bùng phát”, ông Nguyễn Tấn Phát nói.
Bệnh đạo ôn trong năm nay cũng xuất hiện thưa hơn so các năm trước là nhờ nông dân “cạch” các giống lúa nhiễm như IR13/2, Q5… Ngoài ra, trong canh tác, nông dân đã biết bón phân cân đối, không còn bón phân thừa đạm nên làm giảm được bệnh đạo ôn phát sinh.
Các đối tượng sâu bệnh khác như sâu đục thân bướm 2 chấm, bệnh thối thân thối gốc, khô vằn, lem lép hạt, đốm nâu, sâu cuốn lá, bọ trĩ… cũng giảm gây hại cả 3 vụ mùa trong năm nay.
“Nhờ các địa phương làm tốt công tác điều tra, dự báo nên kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trừ. Do đó hạn chế được các đối tượng sâu bệnh khác gây hại”, ông Phát cho biết thêm.
Vụ 3 năm nay, ngành BVTV Bình Định tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa xuất hiện vào tháng 9, sâu đục thân bướm 2 chấm vào cuối tháng 9 tránh cây lúa bị gây hại bông bạc và rầy nâu, rầy lưng trắng đe dọa bộ lúa vụ 3 đòng sớm cùng diện tích lúa vụ 3 sạ muộn và lúa gieo.